Đối với người Việt Nam, trầu không là một loại cây quen thuộc. Đặc biệt, lá trầu không được biết đến với rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Trong đó, việc sử dụng lá trầu không để trị mụn là một trong những phương pháp dân gian được lưu truyền. Vậy phương pháp này có thực sự hiệu quả? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây!
Tìm hiểu về lá trầu không
Lá trầu không từ lâu đã có mối quan hệ gắn bó với người Việt, từ tục ăn trầu – một nét đẹp trong truyền thống văn hóa, đến những công dụng đặc biệt mà loại lá này mang lại. Ngoài tên gọi trầu không, nó còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như trầu cay, trầu lương hay thổ lâu đằng, …
Câu trầu không là giống cây thuộc họ hồ tiêu, tên khoa học là Piper betle L. Nhận biết cây trầu không bằng các đặc điểm sau:
- Cây phát triển dạng thân leo
- Có cành hình trụ
- Rễ cây mọc bén ra ở các mấu trên thân
- Lá mọc sắp xếp so le, có hình tim tròn, có thể cân xứng hoặc không cân xứng
Cây trầu không cần môi trường nhiều ẩm và nhiều ánh sáng mạnh để phát triển tốt nhất. Do vậy từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là khoảng thời gian có thời tiết lý tưởng cho sự phát triển của cây. Thông thường, người nông dân thường thu hoạch lá trầu để làm thuốc, để ăn hoặc để cúng gia tiên trong những ngày lễ mùng một – ngày rằm hoặc những dịp có sự kiện quan trọng như hiếu – hỉ.
Điểm danh những thành phần có trong 100 gram lá trầu không:
- Năng lượng: 44 Kcal
- Nước: 85,6 gram
- Protein: 3,1 gram
- Lipid: 0,8 gram
- Muối khoáng: 2,3 gram
- Chất xơ: 2,3 gram
- Cacbohidrat: 6,1 gram
- Canxi: 0,5 gram
- Sắt: 0,007 gram
- Vitamin A: 2,5 mg
Ngoài những thành phần cơ bản trên, lá trầu không còn chứa một số dưỡng chất khác như Vitamin nhóm B, axit ascorbic, caroten, tinh dầu, …
Vai trò của lá trầu không trong cuộc sống
Nhưng chúng ta thường thấy, các cụ già hay có thói quen nhai trầu với cau và vôi tôi hay vôi sống. Lý do bởi khi kết hợp chúng với nhau sẽ có tác dụng làm chắc răng, thơm miệng, tránh đau răng, đau bụng, giảm viêm họng, giảm các bệnh về đường tiêu hóa.
Ngoài ra, với những trường hợp bị thương, đắp lá trầu sẽ giúp sát khuẩn và giảm đau, chống nhiễm trùng, và có công dụng cực kỳ hiệu quả đối với các loại bệnh về nấm như nước ăn chân. Đặc biệt, những phụ nữ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa có thể sử dụng lá trầu không để làm giảm ngứa ngáy, khó chịu, đồng thời ức chế hoạt động của vi khuẩn, nấm.
Tại sao lá trầu không có thể trị mụn?
Một số thành phần trong lá trầu không như muối khoáng, cacbohidrat, chất xơ, … cùng một số khoáng chất có tác dụng làm thuyên giảm mụn nhanh chóng, hỗ trợ làm mờ thâm, mờ sẹo trên da. Với những tác dụng này, lá trầu không giúp làn da dần dần được phục hồi và sáng mịn hơn.
Bên cạnh đó, theo các tài liệu từ Đông Y học, tính nóng, cay nồng của trầu không có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm, sát trùng và tiêu diệt vi khuẩn có hại cực kì tốt. Nhờ đó làn da sẽ được bảo vệ khỏi những vi khuẩn gây mụn, ngăn chặn sự hình thành mụn mới và phục hồi những tổn thương da do mụn gây ra.Các phương pháp sử dụng lá trầu không trị mụn hiệu quả tại nhà
Sau đây là một số phương pháp trị mụn bằng lá trầu không được đánh giá cao bởi tính hiệu quả và an toàn cũng như dễ dàng thực hiện được tại nhà.
4.1. Lá trầu không + Muối
Như đã nhắc ở phía trên, lá trầu không có đặc tính kháng khuẩn, ngừa viêm và sát trùng vết thương rất tốt. Do đó nó sẽ giúp bạn sẽ loại bỏ được những nốt mụn đầu đen, đầu trắng, hay những nốt mụn cám trên da. Đặc biệt, khi được kết hợp với muối sẽ tạo ra một công thức có công dụng diệt khuẩn và kiềm dầu cực kì tốt. Nhờ đó, những nốt mụn sẽ sớm được loại bỏ, đồng thời ngăn chặn sự hình thành và phát triển của mụn. Công thức này được khuyến cáo là rất phù hợp với làn da dầu mụn.
Cách thực hiện:
Chuẩn bị 10 lá trầu, 1 muỗng muối trắng, 1 ly nước lọc
Bước 1: Rửa thật sạch lá trầu không sau đó cho vào máy xay sinh tố cùng với muối và nước lọc, xay thật nhuyễn hỗn hợp này.
Bước 2: Đổ hỗn hợp ra tấm lọc, vắt lấy phần nước và bỏ bã.
Bước 3: Vệ sinh mặt thật sạch, sau đó dùng bông tẩy trang thấm phần nước đã lọc thoa lên da mặt, thoa kĩ ở những vùng có mụn.
Bước 4: Thư giãn khoảng 20 phút thì rửa lại thật sạch với nước sạch.
Bước 5: Thấm sạch nước trên da và thoa nước toner giúp da cân bằng lại độ PH.
Lưu ý: Nên áp dụng phương pháp này 2-3 lần mỗi tuần để nhìn thấy sự thay đổi của làn da.
4.2. Mặt nạ từ lá trầu không
Ngoài tác dụng loại bỏ những nốt mụn thì đắp mặt nạ lá trầu không còn giúp đẩy lùi các sắc tố melanin giúp da sáng mịn, làm mờ các vết thâm do mụn để lại. Nhờ đó làn da sẽ dần đều màu, tươi sáng hơn sau một thời gian áp dụng công thức mặt nạ này.
Cách thực hiện:
Chuẩn bị 15-20 lá trầu không
Bước 1: Rửa thật sạch lá trầu không với nước sạch và ngâm nó trong nước muối loãng khoảng 30 phút, sau đó rửa lại một lần nữa với nước sạch, vớt ra để ráo nước.
Bước 2: Cho 1 lít nước vào nồi, đun sôi và bỏ lá trầu vào luộc khoảng 1 phút thì vớt ra.
Bước 3: Cho phần lá trầu không và một ít nước luộc vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn.
Bước 4: Lọc bỏ phần bã và lấy phần nước cốt, sau đó đun phần nước cốt này trên lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy thật đều cho đến khi nó keo lại thì tắt bếp.
Bước 5: Đợi chất keo nguội thì cho vào hũ thủy tinh và cho vào tủ lạnh dùng dần.
Bước 6: Rửa mặt thật sạch và thoa phần keo trầu không lên da mặt, thoa kĩ ở những vùng mụn nhiều.
Bước 7: Thư giãn khoảng 20 phút thì rửa lại thật sạch với nước mát.
Lưu ý: Kiên trì thực hiện đắp mặt nạ trầu không 2 lần mỗi tuần để làm giảm thâm sau mụn.
4.3. Xông mặt bằng nước lá trầu không
Khi lấy lá trầu không đun sôi và xông mặt, các tinh chất trong lá trầu sẽ được hấp thụ vào da một cách dễ dàng nhất. Ngoài ra, trong quá trình xông mặt, lỗ chân sẽ giãn nở khiến bụi bẩn, bã nhờn trên làn da dễ dàng bị đào thải ngoài, đồng thời phần tế bào da bị viêm nhiễm sẽ được làm sạch tự nhiên.
Cách thực hiện:
Chuẩn bị 10-15 lá trầu không, rửa thật sạch với nước muối loãng sau đó rửa lại thật với nước sạch
Bước 1: Cho lá trầu vào nồi và chế khoảng 1 lít nước, đun sôi nước sau khoảng 3 phút thì tắt bếp.
Bước 2: Đổ nước ra một cái chậu sạch vừa đủ, để nước xông nguội đi khoảng 5 phút cho bớt nóng thì sử dụng 1 chiếc khăn lớn trùm qua đầu, phủ hết phần chậu, cúi mặt lại gần chậu để xông mặt. Lưu ý khoảng cách vừa phải không cúi quá sát rất dễ làm da bị bỏng.
Bước 3: Xông mặt khoảng 10 phút khi không còn hơi nóng nữa thì dừng.
Bước 4: Rửa lại thật sạch với nước ấm, vừa rửa vừa massage để bụi bẩn, bã nhờn trong da được loại bỏ. Sau đó rửa lại một lần nữa với nước mát và dùng đá viên lăn nhẹ lên da để làn da se khít lỗ chân lông.
Lưu ý: Xông mặt với nước trầu không khoảng 1-2 lần mỗi tuần để chăm sóc da mụn sạch sâu, kháng khuẩn và loại bỏ mụn.
Ngoài áp dụng các phương pháp trên, bạn cũng cần lưu ý duy trì các bước skincare thông thường khác để làn da duy trì được sự tươi sáng và mềm mại. Chúc bạn chăm sóc da như ý!